TIN TỨC THỊ TRƯỜNG
  KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN
OMIT
25/09/2024
ROLL
25/09/2024
DELAY TÀU
10/09/2024
DDP VÀ DDU
27/08/2024
CƯỢC CONT
15/02/2024
KHO NGOẠI QUAN
16/01/2024
ĐIỀU KIỆN DDP
27/12/2023
  Kiến thức về logistics

DIỄN ĐÀN LOGISTICS VIỆT NAM 2023: ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Ngày đăng: 28/12/2023

Tin tức Bách Việt đăng tải ngày 28/12/2023

So với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics đồng thời có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa, nhưng hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế…

Tại cuộc gặp mặt báo chí chia sẻ thông tin về Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời gian qua đã có nhiều cải thiện.

Trong đó, khung pháp lý về dịch vụ logistics từng bước được hoàn thiện, như Nghị định số 96/2022/NĐ-CP, Nghị quyết số 163/NQ-CP, Nghị quyết số 163/NQ-CP, Quyết định số 200/QĐ-TTg…

Cũng trong năm qua, hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện, Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm đầu tư phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

Hiện cả nước có tổng chiều dài đường bộ khoảng 595.201 km, trong đó đường bộ quốc gia (quốc lộ, cao tốc) là 25.560 km (tăng 7,3% so với năm 2017). Mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga; 17.026 km đường thủy nội địa toàn quốc đang được quản lý khai thác…

Về hệ thống cảng biển Việt Nam, hiện có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt trên 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Đã hình hành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại phía Bắc và phía Nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 DWT tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa.

Trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Lloyd’s List (Anh), Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (Tp. Hồ Chí Minh) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Về đường hàng không, hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác với tổng diện tích khoảng 11.859 ha; trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội.

Ngoài ra, cả nước hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Trong đó có nhiều trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối... theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.

Không chỉ vậy, theo ông Hải, năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics cũng đã nâng cao. Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây nhất (31/12/2021) do Tổng cục Thống kê cung cấp, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics với tổng số 563.354 lao động đang làm việc. Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL…

Hơn nữa, báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.