TIN TỨC THỊ TRƯỜNG
  KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN
OMIT
25/09/2024
ROLL
25/09/2024
DELAY TÀU
10/09/2024
DDP VÀ DDU
27/08/2024
CƯỢC CONT
15/02/2024
KHO NGOẠI QUAN
16/01/2024
ĐIỀU KIỆN DDP
27/12/2023
  Kiến thức về logistics

GÃ KHỔNG LỒ’ VẬN TẢI BIỂN MAERSK ĐỐI PHÓ VỚI BIẾN ĐỘNG TOÀN CẦU THẾ NÀO?

Ngày đăng: 17/06/2024

Tin tức Logistics Bách Việt Group đăng tải các ngày trong tuần

Maersk được sáng lập tại Đan Mạch vào năm 1904 khi hai cha con Arnold Peter Moller và Peter Maersk Moller mua hai con tàu chuyên chở hàng hóa. Trong hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai, các hợp đồng béo bở cùng vận chuyển dầu thô giúp Maersk thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, bước ngoặt để công ty vươn lên thành một trong những hãng vận tải biển đứng đầu thế giới đến từ việc khai thác tuyến container đầu tiên vào năm 1975. Bởi chỉ ít năm sau đó, nhu cầu vận tải container tăng vọt trên toàn cầu, từ hơn 100 triệu tấn năm 1980 đến gần 2 tỷ tấn năm 2017.

Ông John McCown, chuyên gia cao cấp tới từ Trung tâm Chiến lược Hàng hải Mỹ cho biết: “Năm 2023, chỉ tính riêng các container nhập cảnh vào Mỹ đã chở lượng hàng hóa có trị giá lên tới hơn 1.000 tỷ USD”

Đến đầu những năm 1990, Maersk là hãng tàu biển chở container lớn nhất thế giới, đồng thời giữ vững vị trí này trong suốt hai thập kỷ. Theo thống kê, mỗi năm khoảng 90% thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng container qua đường biển, và Maersk vận chuyển khoảng 1/5 tổng số container đó. Ngoài đội tàu gồm gần 700 chiếc, Maersk còn điều hành tới 64 bến cảng trên toàn thế giới.

Năm 2022, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Maersk ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục hơn 29 tỷ USD. Năm 2023, doanh nghiệp này đạt doanh thu 51 tỷ USD, trong đó hoạt động kinh doanh trên biển là hơn 33 tỷ USD.

Ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành công ty vận tải biển Vespucci Maritime chia sẻ: “Về cơ bản họ hoạt động ổn định như một doanh nghiệp điều hành tuyến buýt đường dài cố định và đúng giờ. Chỉ khác ở chỗ, đây là những chiếc xe buýt khổng lồ và chạy trên biển”.
Tuy nhiên, thuyền to ắt sẽ gặp sóng lớn và Maersk cũng không phải ngoại lệ. Giống hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển, Maersk đang đối mặt hàng loạt thách thức như căng thẳng leo thang trên Biển Đỏ, hạn hán ở Kênh đào Panama.

Ông Charles van der Steene, Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của Maersk cho biết: “Chúng tôi cảm giác như có vô số sự bấp bênh và khó khăn chồng chất mà ngành hàng hải có thể đối mặt trong giai đoạn sắp tới. Thực tế thời gian qua, nếu bạn nhìn vào chu kỳ 5 năm, mỗi năm sẽ có từ 1 tới 2 thậm chí là 4 thách thức lớn mà ngành này phải vượt qua”.

Theo các chuyên gia, vận tải biển là ngành kinh doanh nhiều biến động. Từ đầu năm nay, Maersk cùng nhiều hãng tàu phải rời lộ trình khỏi Biển Đỏ bởi những cuộc xung đột trong khu vực. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, Công ty cũng đình chỉ hoạt động khai thác qua Kênh đào Suez và chuyển hướng đi qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Những chuyến đi dài đòi hỏi số lượng tàu lớn hơn và tốn nhiều nhiên liệu hơn. Nó cũng đồng nghĩa, các hãng vận tải biển sẽ phải tính giá cước cao hơn.

Bà Lori Ann LaRocco, Chuyên gia phân tích từ CNBC nhận định: “Dòng chảy thương mại luôn chuyển động, nhưng giá cước vận chuyển đã tăng gấp 4 lần chỉ cách đây vài tháng”

Theo hãng tin CNBC, quy mô đội tàu của ngành vận tải biển sẽ có nhiều biến động, trong đó số lượng tàu container dự kiến tăng gần 20% trong vài năm tới.

Tuy nhiên, ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành công ty vận tải biển Vespucci Maritime cho rằng, điều này trước mắt sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu ở thời điểm hiện tại nhưng cũng là con dao hai lưỡi trong tương lai: “Chúng ta đang có quá nhiều tàu. Vấn đề đó tạm thời được giải quyết vì những con tàu phải đi vòng quanh châu Phi. Tuy nhiên, khi Biển Đỏ mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thừa công suất và Maersk cũng như các hãng khác sẽ đối mặt với cơn gió ngược trong việc phải giảm giá cước nhanh chóng”

Để tránh rủi ro, Maersk đang tăng cường hoạt động kinh doanh hậu cần, giao hàng từ điểm đầu tới chặng cuối. Không chỉ tập trung vào tàu biển, doanh nghiệp này cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực vận tải hàng không, xây dựng nhà ga, kho bãi và thâu tóm một số công ty vận tải đường bộ. Đầu năm 2024, Maersk hợp tác với Hapag-Lloyd AG ký thỏa thuận thành lập liên minh có tên “Hợp tác Gemini”. Tham vọng của liên minh này là cung cấp một mạng lưới vận tải biển linh hoạt và kết nối với độ tin cậy hàng đầu trong ngành.

Được biết, Maersk cũng đang chạy đua để có thể giảm lượng khí thải nhà kính về 0 trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình vào năm 2040. Cụ thể, doanh nghiệp có kế hoạch nhận những con tàu mới đầu tiên trong năm 2024 với lượng khí thải ít hơn 100 tấn CO2 mỗi ngày so với tàu diesel truyền thống.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2023 doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát duy trì ở mức cao, gắn với những diễn biến căng thẳng của các xung đột địa chính trị. Năm 2024, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam dự báo thị trường vận tải biển tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ việc chiến tranh tiếp tục leo thang tại nhiều khu vực, tình hình hạn hán tại kênh đào Panama, cũng như những căng thẳng tại Biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nguồn cung tàu dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ khi các hãng tàu bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng.

Trước những thách thức được dự báo, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm và chú trọng tái cơ cấu triệt để các đơn vị thành viên nhằm bảo đảm vượt sóng gió trên “hải trình.”

Mọi thắc mắc và tư vấn báo giá, mời Quý Khách hàng và Quý bạn đọc liên hệ với chúng tôi tại:
- Hotline : 024 3732 4889
- Website: http://bachvietshipping.vn/vn/home.aspx
- Facebook: https://www.facebook.com/bachvietgroup.net/
- TikTok: https://www.tiktok.com/@bachvietgroup.net
- Youtube: https://www.youtube.com/@bachvietshippingcompany9175